Bạn đã quyết định sẽ về chung một nhà với người yêu nhưng lại cảm thấy bối rối không biết nên chuẩn bị đám cưới như thế nào? Nếu bạn lên kế hoạch trước đám cưới tầm 6 – 12 tháng thì mọi thứ sẽ diễn ra đâu vào đấy ngay!
Nhiều cặp đôi lo lắng không biết nên bắt đầu chuẩn bị đám cưới như thế nào mới đầy đủ và trọn vẹn. Đây là một việc hệ trọng của cả một đời người nên ai cũng muốn mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ và hoàn hảo nhất theo ý muốn của mình. Sau đây là những lời khuyên giúp hai bạn chuẩn bị một đám cưới từ đầu đến cuối.
1. Đi đăng ký kết hôn
Trước khi tiến hành tổ chức đám cưới ra mắt quan viên hai họ, bạn và người ấy cần hoàn thành các thủ tục đăng ký kết hôn. Dựa vào giấy đăng ký kết hôn, các cặp đôi sẽ được luật pháp bảo hộ và chứng nhận là vợ chồng.
Để đăng ký kết hôn, nam giới phải trên 20 tuổi và nữ giới trên 18 tuổi. Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để mang đi đăng ký.
2. Lập kế hoạch đám cưới
Càng lên kế hoạch đám cưới sớm, bạn càng dễ dàng và bớt căng thẳng hơn khi ngày trọng đại của bạn đến gần. Có một kế hoạch rõ ràng trước khi bạn bắt đầu sẽ giúp bạn theo kịp mọi thứ và đảm bảo rằng bạn không quên điều gì đó quan trọng.
Bạn hãy nghĩ đến địa điểm tổ chức tiệc, phong cách tiệc cưới và tìm hiểu nơi mua trang phục cưới, chụp ảnh uy tín để chọn được dịch vụ ưng ý nhất.
2. Khám sức khỏe tiền hôn nhân
Nhiều cặp đôi thường bỏ qua bước khám sức khỏe tiền hôn nhân vì chủ quan cho rằng sức khỏe cả hai đều ổn. Tuy nhiên, việc này hết sức cần thiết giúp bạn tránh những vấn đề sức khỏe sinh sản hay nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhằm đảm bảo gia đình hạnh phúc và khỏe mạnh.
Bạn nên chọn ngày để cả hai được đi khám sức khỏe cùng nhau trước khi cưới. Hai bạn sẽ được khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản.
4. Dự kiến ngân sách đám cưới
Khi lên kế hoạch chuẩn bị đám cưới, bạn cần tính toán các chi phí để biết được khoản tiền cần dùng đến. Bạn nên dự kiến ngân sách dành cho việc tổ chức đám cưới tùy theo khả năng của mình. Nếu được, hãy đơn giản hóa một số khâu không thực sự cần thiết để giúp tiết kiệm chi phí và giảm áp lực về tài chính không đáng có.
Cho dù bạn tính toán kỹ đến đâu thì một sự kiện lớn như đám cưới vẫn có không ít những khoản chi bất ngờ. Do đó, bạn cần dự trù thêm một khoản ngân quỹ nhất định cho các khoản này nhé.
5. Tiến hành chụp ảnh cưới
Các bạn có thể chụp ảnh cưới từ sớm, khi thời điểm công việc của cả hai đều không quá bận rộn. Hai bạn cần bàn bạc xem nên thuê studio nào cũng như lựa chọn các địa điểm chụp ảnh cưới, xác định khoản chi phí dành cho dịch vụ chụp ảnh.
Để có những bức ảnh thật đẹp để lưu giữ kỷ niệm, bạn cần tìm hiểu kỹ các studio chụp hình thông qua mạng Internet cũng như tham khảo thêm những người đã kết hôn.
6. Mua sắm đồ dùng cần thiết
Tùy thuộc vào thời gian chuẩn bị đám cưới, ngân sách cưới và sở thích, bạn có thể chọn cách thuê hoặc tự đặt may trang phục cưới. Bạn cũng cần mua sắm thêm các vật dụng cần thiết cho phòng tân hôn như giường cưới cùng các vật trang trí trong phòng để có được một không gian lãng mạn cho đêm tân hôn.
Bạn cũng nên đi chọn nhẫn cưới từ sớm vì đôi khi sẽ không chọn được kiểu dáng yêu thích. Khi đó, bạn có thể đặt làm riêng vì đây chính là minh chứng của tình yêu sẽ đi theo bạn suốt cuộc đời.
7. Lên danh sách khách mời
Nếu bạn muốn đặt tiệc cưới ở những nhà hàng lớn, có thể họ sẽ yêu cầu bạn phải đặt trước khá lâu như trước vài tháng hoặc có khi cả năm. Vì thế, việc lên danh sách khách mời sẽ cần phải được tiến hành từ khá sớm. Điều này giúp bạn tránh được tình trạng mâm thừa, cỗ thiếu làm ảnh hưởng đến không khí vui vẻ của buổi tiệc cưới.
Hai bạn hãy cùng nhau liệt kê danh sách khách mời. Sau đó các bạn sẽ trao đổi kỹ lưỡng thêm với gia đình để tránh bị thiếu sót những người cần được mời.
8. Đặt tiệc cưới phù hợp
Bạn nên tham khảo ý kiến của hai bên gia đình về địa điểm tổ chức đám cưới để đặt nơi làm tiệc cưới phù hợp. Khi chọn phong cách đám cưới, bạn cũng nên hỏi thêm quan điểm của người lớn trước để có tiệc cưới ấn tượng nhưng không làm mất lòng khách mời.
Khi đặt tiệc cưới, bạn cần lưu ý kỹ trong khâu lựa chọn số món ăn sao cho thật chất lượng và vừa đủ với số lượng người ăn mỗi bàn.
9. Nhờ sự giúp đỡ của người thân
Thay vì quán xuyến mọi thứ một mình, bạn có thể san sẻ cho bạn bè và người thân các công việc cần làm trong khâu tổ chức để họ trở thành một phần của đám cưới. Điều này không chỉ giúp bạn giảm bớt gánh nặng mà còn khiến đôi bên thêm thân thiết hơn.
Bạn có thể nhờ cậy bạn bè, anh chị em họ hàng đảm nhận vai trò phù dâu, phù rể hoặc phụ trách hộp đựng tiền mừng.
10. Lập kế hoạch trăng mật
Những ngày đầu tiên bên nhau, khi chính thức trở thành vợ chồng sẽ trở thành những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời bạn. Vì thế, bạn nên chuẩn bị chu đáo để có được một tuần trăng mật ngọt ngào và mặn nồng. Điều này sẽ giúp cả hai thoải mái hơn trước khi thực sự bước vào cuộc sống hôn nhân với nhiều lo toan phía trước.
Bạn nên lập kế hoạch cho kỳ trăng mật sớm để có nhiều ý tưởng cũng như tiết kiệm được các khoản chi phí như vé máy bay, phòng khách sạn…
Khi lên kế hoạch cho đám cưới, bạn có thể tham khảo ý kiến của bạn bè hoặc người thân đã lập gia đình để cảm thấy yên tâm hơn. Thay vì lo lắng quá nhiều về những điều cần làm cho ngày trọng đại, hai bạn nên chú ý giữ gìn sức khỏe để luôn tươi tắn và rạng rỡ trong ngày vui. Điều quan trọng cho một đám cưới diễn ra tốt đẹp chính là nụ cười hạnh phúc nở trên môi của hai bạn!
Vân Anh | HELLO BACSI