Gluten là gì?
Gluten là một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và tiểu hắc mạch. Hầu hết mọi người đều có thể ăn gluten mà không gặp bất kỳ vấn đề gì, nhưng những người mắc bệnh celiac (một loại bệnh đường ruột do mẫn cảm với gluten, gây khó khăn cho việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn ) thì không nên ăn gluten.
Gluten có tác hại như thế nào đến những người mắc bệnh celiac?
Gluten làm tổn thương màng ruột non của những người bị bệnh celiac. Tổn hại này làm cho cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng quan trọng trong thực phẩm. Đó là các loại vitamin, canxi, protein, carbohydrate, chất béo và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Cơ thể không thể hoạt động tốt khi thiếu các chất dinh dưỡng này. Ngay cả một lượng nhỏ gluten trong thực phẩm cũng có thể gây hại đến những người mắc bệnh celiac.
Đối với những người không bị bệnh celiac thì việc tránh ăn gluten không mang lại bất kì lợi ích về sức khỏe nào.
Tại sao một chế độ ăn kiêng không có gluten lại quan trọng vậy?
Bệnh celiac là một loại bệnh dị ứng khá nghiêm trọng. Bạn chỉ có thể kiểm soát bệnh bằng cách không ăn một chút gluten nào. Có thể bạn sẽ mất chút thời gian để tìm hiểu làm thế nào để có thể loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn của bạn. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn nên tìm sự giúp đỡ từ một chuyên gia dinh dưỡng. Nếu có được một chế độ ăn uống hợp lý, những tổn thương gây ra bởi bệnh celiac sẽ có thể hồi phục và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Nếu bạn không tuân thủ chế độ ăn uống của bạn, các tổn thương sẽ dần trở lại, mặc dù bạn không cảm thấy bị bệnh ngay lập tức.
Những loại thực phẩm nào chứa gluten?
Gluten có trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và tiểu hắc mạch. Ngoài ra còn phải kể đến những thứ được làm từ các loại hạt trên như cám, bulgur, couscous, Eikorn, lúa mì cứng, faro, farina, bột graham, bột matzo, kamut, bột báng và lúa mì spenta. Những loại hạt này còn có mặt trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm bánh ngọt, bánh mì, mì ống và ngũ cốc.
Các loại hạt này cũng thường được thêm vào thực phẩm chế biến, vì vậy điều quan trọng là phải đọc kỹ nhãn mác để kiểm tra nguồn gluten. Các nhà sản xuất thường xuyên thay đổi các thành phần trong thực phẩm chế biến, vì vậy mỗi khi mua bạn cần phải kiểm tra từng loại thực phẩm.
Khi học cách phát hiện gluten trên nhãn thực phẩm, hãy nhớ rằng ngay cả khi trên nhãn mác có ghi trong thực phẩm không có lúa mì thì cũng không có nghĩa là không có gluten. Nếu bạn không chắc chắn rằng một loại thực phẩm nào đó có gluten hay không thì tốt nhất là bạn không nên ăn loại thực phẩm đó.
Chế độ ăn kiêng không có Gluten (Nguồn: moveeditorial.net)
Đôi khi gluten được thêm vào một số loại thực phẩm mà không ai nghĩ đến. Một trong số đó bao gồm:
- Bia và các loại thức uống có cồn khác
- Một số loại bánh mì chế biến
- Thịt chế biến sẵn
- Giả thịt xông khói và hải sản
- Nước xốt, nước xốt từ thịt và chất làm đặc
- Súp và soup bases
- Nước tương
- Bánh thánh
- Nước xốt marinade (dùng khi ướp thịt nướng)
- Mạch nha, mạch nha hương liệu và mạch nha giấm
- Một số loại thuốc và thuốc bổ
- Thức ăn bổ sung, bao gồm các loại vitamin
- Son môi, son bóng và son nhũ hương
- Bột nặn (trẻ em bị bệnh celiac nên rửa tay sau khi sử dụng bột nặn)
Khi áp dụng chế độ ăn không có gluten, tôi có thể ăn những loại thức ăn như thế nào?
Khi áp dụng chế độ ăn không có gluten không có nghĩa là bạn không thể tận hưởng một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh bao gồm nhiều loại thực phẩm. Có rất nhiều loại thực phẩm tự nhiên không chứa gluten, bao gồm:
- Trái cây
- Rau quả
- Thịt, cá và gia cầm (không ướp hoặc rưới xốt marinade)
- Gạo
- Một số loại hạt
- Bột không có gluten (khoai tây, đậu nành, gạo, kê, lanh, lúa miến, sắn và ngô bột)
- Một số sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa, phô mai, kem pho mát và phần lớn các loại sữa chua
Ngoài ra còn có rất nhiều loại thực phẩm đã được loại bỏ gluten được dùng để thay thế cho các loại thực phẩm thường có chứa gluten. Một số loại trong đó bao gồm bánh mì, mì, nước xốt và các sản phẩm nướng không chứa gluten. Bạn có thể tìm thấy nhiều loại thực phẩm không có gluten như kể trên ở trong khu vực thực phẩm lành mạnh hay khu thực phẩm không chứa gluten tại các cửa hàng địa phương nơi bạn sinh sống. Bạn cũng có thể tìm thấy những sản phẩm này tại các cửa hàng tạp hóa đặc biệt hoặc trên internet.
Tôi nên bắt đầu như thế nào khi áp dụng chế độ ăn không có gluten?
Khi thấy rằng bạn cần áp dụng một chế độ ăn không có gluten thì nghe có vẻ áp lực. Bác sĩ có thể giúp bạn bắt đầu bằng cách cung cấp cho bạn danh sách đầy đủ và dễ hiểu các loại thực phẩm bạn có thể ăn và thực phẩm bạn cần phải tránh. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một chế độ dinh dưỡng không có gluten mà trong đó bao gồm tất cả các chất dinh dưỡng bạn cần trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Lời khuyên cho việc đối phó với vấn đề này:
- Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về chế độ ăn không có gluten. Có rất nhiều sách, sách dạy nấu ăn và các trang web về làm thế nào để có một chế độ ăn không chứa gluten.
- Hãy đặt câu hỏi khi bạn đang dùng bữa ở nhà hàng. Hãy hỏi người bồi bàn của bạn hoặc đầu bếp về tất cả các thành phần được sử dụng để nấu các món có trong thực đơn. Đôi khi cũng có những thực đơn không chứa gluten. Một số thành phố cũng có các nhà hàng chuyên về đồ ăn không có gluten.
- Hãy tham gia vào một nhóm hỗ trợ. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc tìm kiếm một nhóm hỗ trợ cho những người bị bệnh celiac. Nói chuyện với những người cũng đang ở trong tình trạng tương tự có thể có ích cho bạn.
Tôi có cần phải thêm một chế độ ăn uống bổ sung vào chế độ ăn uống không có gluten của tôi không?
Thông thường bạn vẫn có thể nhận được tất cả các loại vitamin và khoáng chất cần thiết khi áp dụng chế độ ăn uống không có gluten, bao gồm nhiều loại thức ăn lành mạnh, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và cá. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mới bắt đầu một chế độ ăn không có gluten, bác sĩ có thể muốn bạn uống thêm một số loại thuốc bổ. Đó là bởi vì lượng gluten có trong thực phẩm bạn đã tiêu thụ trước khi áp dụng chế độ ăn không có gluten, khiến cơ thể của bạn rất khó có thể hấp thụ những vitamins và khoáng chất cần thiết. Nếu bạn cần phải uống thuốc bổ, hãy chắc chắn đó là loại thuốc bổ không chứa gluten. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra loại thuốc bổ phù hợp với bạn nhất.
Xem thêm bài Chế độ ăn BRAT – Giải pháp phục hồi khi rối loạn dạ dày của Ngô Xuân TrungTài liệu tham khảo
Gluten free diet – Familydoctor.org