Sức khỏe là vốn quý giá nhất của con người. Thế nên để có sức khỏe tốt, một tinh thần minh mẫn và năng lượng dồi dào sẵn sàng cho các hoạt động hằng ngày, bạn cần tập hình thành cho mình những cách sinh hoạt hợp lý. Cùng tham khảo ngay 6 thói quen tốt cho sức khỏe trong bài viết dưới đây.
Vệ sinh răng miệng hằng ngày, dùng bữa sáng đều đặn, uống nước đầy đủ, đảm bảo một chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất… đều là những thói quen tốt cho sức khỏe mà các chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện đều đặn mỗi ngày. Bên cạnh đó vẫn còn một số thói quen sinh hoạt khác bạn cũng cần quan tâm và duy trì thường xuyên để sống khỏe mỗi ngày. Dưới đây là 6 thói quen tốt cho sức khỏe mà Hello Bacsi muốn chia sẻ với bạn:
1. Đọc sách: Thói quen tốt cho sức khỏe mà bạn nên rèn luyện
Có thể nói, đọc sách chính là “khoản đầu tư” có lãi nhất với mỗi người. Nguyên do là việc đọc sách không chỉ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tinh thần mà còn giúp cải thiện bản thân bạn theo hướng tốt hơn.
Việc đọc sách mỗi ngày cũng giống như bài tập cho não bộ giúp bạn tăng cường trí nhớ và tư duy logic. Ngoài ra, việc làm này còn thúc đẩy các tế bào thần kinh, cho phép bạn sáng tạo, suy nghĩ rõ ràng hơn giúp trí não của bạn được khỏe mạnh. Hơn nữa, thói quen tốt cho sức khỏe này còn được chứng minh có thể ngăn ngừa và giảm tình trạng Alzheimer.
Để hình thành thói quen này, bạn nên đặt sách ở nhiều vị trí trong nhà như bếp, phòng tắm và cả giường ngủ nữa. Việc mang theo một quyển sách bên mình khi ra ngoài hay di chuyển trên các phương tiện công cộng cũng là cách để bạn xây dựng thói quen đọc sách. Thời gian đầu, bạn dành khoảng từ 15 – 20 phút để đọc sách nhưng sau đó có thể tăng dần thời lượng lên.
2. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Đối với người Việt, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên gần như vẫn chưa được quan tâm đúng mức dù rằng thủ tục này rất quan trọng. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường tại Việt Nam đang ở mức báo động, tình trạng ô nhiễm không khí, thực phẩm bẩn đang góp phần làm gia tăng nhiều nguy cơ về bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư thì việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên cần được chú trọng.
Hiện có rất nhiều người chỉ đi thăm khám khi có bệnh mà hiếm khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này dẫn đến những thực trạng đáng buồn là nhiều căn bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, hao tổn kinh tế, thậm chí một số loại bệnh như ung thư, viêm gan siêu vi… khi đã vào giai đoạn cuối thường sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Vì thế việc khám sức khỏe định kỳ là thói quen tốt cho sức khỏe. Thông qua việc thăm khám, các bác sĩ có thể giúp bạn dự đoán trước một số loại bệnh lý gây hại cho cơ thể và đưa ra giải pháp điều trị tốt hơn, đồng thời có thể theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân.
Với trẻ em, bạn cần chú ý đến việc tiêm phòng của các bé. Bạn cần phải đảm bảo đủ số lượng mũi tiêm phù hợp ở từng độ tuổi nhằm bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm.
3. Rửa tay sạch sẽ
Tưởng chừng đơn giản nhưng hành động này lại đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Nếu không rửa tay, các vi sinh vật gây hại, vết bẩn sẽ tấn công và tích tụ gây ra các bệnh như tiêu chảy, viêm nhiễm đường hô hấp, thậm chí có thể lây bệnh cho người khác hoặc dẫn đến vấn đề kháng kháng sinh.
Thực tế, nhận thức của nhiều người về việc rửa tay sạch thường xuyên lại không cao, đặc biệt là chưa đúng cách. Khi rửa tay, hầu hết mọi người đều chỉ sử dụng một lượng rất ít xà phòng và rửa sơ sài qua nước mà quên đi khâu vệ sinh những vị trí quan trọng là nơi tích tụ mầm bệnh như lòng bàn tay, mu bàn tay, các kẽ tay, cũng như kẽ móng.
Lưu ý rằng, bạn nên rửa tay bằng xà phòng với nước không nên sử dụng các loại nước rửa tay khô. Loại sản phẩm này không có tác dụng đối với một số mầm bệnh trên tay, cũng như đối với các vết bẩn hữu cơ vì chúng không thể hoàn toàn loại bỏ được.
4. Sử dụng đúng liệu trình kháng sinh
Trẻ nhỏ hay mắc những bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng còn non nớt, vì vậy mà việc sử dụng kháng sinh chính là giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng nếu sử dụng kháng sinh không đúng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Chẳng hạn như một số bệnh như cảm lạnh, cảm cúm… thường là do virus gây ra, do đó việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng. Nếu bạn dùng kháng sinh không đúng cách, vi khuẩn có thể học cách thích nghi, chống lại tác dụng của kháng sinh.
Đáng nói hơn là khi sử dụng thuốc, ngay cả khi có dấu hiệu tốt hơn, bạn cũng không nên bỏ liều, vì nếu chấm dứt quy trình trị liệu quá sớm sẽ khiến một số vi khuẩn có thể sống sót và lại khiến bệnh tái phát.
Hãy nhớ rằng, kháng sinh là loại thuốc cần được bác sĩ kê toa sau khi đã có sự chẩn đoán chính xác. Bạn nên tuân thủ 5 quy tắc khi dùng kháng sinh là: dùng đúng loại, đúng liều, đủ số lượng, đúng bệnh cũng như đảm bảo đủ thời gian dùng.
5. Thoa kem chống nắng
Không phải ngẫu nhiên khi các chuyên gia làm đẹp nhận định nếu không dùng kem chống nắng, thì mọi công sức trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc để làn da đẹp của bạn là vô ích. Thực tế, tia UV chính là nguyên nhân gây ung thư da và dẫn đến một số tác hại như mụn, tàn nhang hoặc cháy nắng… Thậm chí, về lâu dài tia UV còn làm cho làn da bị xuống cấp nhanh chóng, mau chóng xuất hiện các dấu hiệu lão hóa nếu bạn không sử dụng kem chống nắng hàng ngày.
Cách sử dụng tốt nhất là thoa kem 20 phút trước khi ra nắng, đồng thời nên thoa lại mỗi 2 – 3 giờ. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thêm kính râm, mũ rộng vành và quần áo chống nắng hỗ trợ.
6. Mang tất khi đi ngủ
Thoạt nghe có vẻ lạ, nhưng đây là thói quen tốt cho sức khỏe, nhất là khi bạn hay mang giày cao gót. Bí quyết là trước khi ngủ, bạn hãy thoa dầu dừa cùng với vài giọt dầu bạc hà lên chân, sau đó massage nhẹ nhàng rồi mang tất vào. Tuy đây chỉ là vài động tác đơn giản nhưng mang lại sự mềm mại cho đôi chân của bạn. Vào mùa hè, bạn nên ưu tiên những loại tất có chất liệu là cotton, khi trời chuyển lạnh thì có thể đổi sang dùng tất len.
Để có được sức khỏe tốt và một lối sống lành mạnh, bạn cần chú ý đến việc sinh hoạt điều độ hợp lý, cũng như thực hiện theo những thói quen tốt cho sức khỏe được gợi ý ở trên nhé!