Mứt dừa là một trong những món ăn vặt truyền thống vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Cùng vào bếp học cách làm mứt dừa để có khay mứt thơm ngon đãi khách nhân dịp Tết.
Hiện nay, vì lo ngại trước vấn đề thực phẩm bẩn nên nhiều người có xu hướng tự làm mứt để dùng hay làm quà biếu bạn bè, người thân. Việc làm mứt dừa rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Hiểu được điều đó, Chúng tôi mách bạn cách làm mứt dừa tại nhà cực dễ để bạn trổ tài làm các món mứt dừa vừa đảm bảo vệ sinh vừa có dịp khoe tài bếp núc.
1. Cách làm mứt dừa sữa Ông Thọ
Để có món mứt dừa ngon khi ăn không cảm thấy miếng mứt bị khô, bạn nên chọn mua dừa không non, không già (dừa bánh tẻ) và cần những nguyên liệu sau:
Nguyên liệu
- Cùi dừa bánh tẻ: 1kg
- Đường: 500 – 700g
- Sữa Ông Thọ: 1/2 lon
- Vani: 1 ống.
Thực hiện
Sơ chế
- Vỏ dừa khá cứng chắc, bạn nên nhờ người bán bổ dừa và tách cùi dừa ra giúp. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua dừa đã được bào sẵn ở những người bán đáng tin cậy để tiết kiệm thời gian.
- Cùi dừa sau khi tách cần rửa sạch, để ráo, dùng dao hai lưỡi bào sạch lớp vỏ màu nâu bên ngoài. Với dừa không non không già (dừa bánh tẻ), bạn dùng dao hai lưỡi bào từng sợi cho đều. Bạn nên cố gắng bào sao cho sợi dừa dài để sau khi sên mứt dễ tạo hình trang trí. Với dừa non để làm mứt dẻo, bạn dùng dao thái sợi dừa có kích thước cỡ đầu to của cây đũa để khi làm xong mứt không quá mềm và khô.
- Dừa sau khi đã thái sợi, bạn rửa khoảng 3 – 4 nước cho hết dầu hoặc rửa cho đến khi nước trong. Nếu có thể, bạn nên rửa dừa bằng nước nóng khoảng 50 – 60°C nhiều lần cho nhanh hết dầu. Rải sợi dừa ra rổ lớn và hong khô tự nhiên, nhớ che đậy cẩn thận nhằm tránh ruồi, kiến… xâm phạm. Nếu muốn sợi dừa mau khô, bạn có thể dùng quạt để hong.
Ngâm ướp
Khi sợi dừa khô, bạn trộn dừa với đường, sữa đặc và đậy cẩn thận, chờ khoảng 2 – 3 giờ để đường chảy ra, thấm vào dừa hoặc khi sợi dừa chuyển từ đục sang trong là sên được.
Sên mứt
- Cách làm mứt dừa ngon là để mứt không bị cháy, bạn nên dùng chảo lớn, có đáy dày để sên mứt. Bạn đổ dừa đã ngâm với đường và sữa vào chảo, bắc lên bếp, nấu trên lửa vừa. Khi nấu nhớ canh chừng vào đảo thường xuyên để dừa không bị cháy. Chú ý đảo nhẹ tay để tránh làm sợi dừa gãy.
- Khi hỗn hợp dừa sôi, bạn hạ nhỏ lửa, đảo nhẹ tay liên tục tránh để nồi mứt bị cháy. Nếu sơ ý làm dừa bị cháy, bạn nên đổ hỗn hợp dừa ra, cọ rửa chảo thật kỹ rồi mới sên tiếp. Sên cho đến khi thấy đường và sữa quẹo lại, bạn thêm vani vào để mứt thơm hơn. Khi sên mứt đến giai đoạn này, bạn cần đảo đều tay liên tục để các sợi dừa không dính lại với nhau và không bị cháy. Khi thấy đường kết tinh bám vào sợi dừa và đảo thấy nhẹ tay, bạn đảo thêm ít phút nữa cho dừa khô rồi tắt bếp. Đổ dừa ra mâm, rải đều ra cho mứt nhanh nguội.
Bảo quản và trình bày
- Khi mứt đã nguội bớt, bạn lấy những sợi dừa dài cuốn thành hình hoa hồng để trang trí. Nếu muốn dừa nhanh nguội và khô, bạn có thể hong trước quạt. Hãy đảm bảo dừa được hong khô để tránh chảy nước. Nếu dừa chảy nước, hãy sên lại.
- Lưu ý là bạn không nên bỏ phần đường không bám vào mứt đi, hãy đổ chúng vào trong hũ thủy tinh hay túi nilông. Lượng đường này giúp hút ẩm rất hiệu quả. Bảo quản hũ/túi mứt dừa trong trong ngăn mát tủ lạnh để có thể dùng được lâu.
Mách bạn
- Muốn có mứt dừa ngon khi ăn không cảm thấy dừa bị khô, bạn nên chọn dừa không non không già (dừa bánh tẻ). Nếu muốn làm mứt dừa dẻo, bạn nên chọn dừa non vừa, khi sơ chế thì nên thái sợi hơi dày. Cách làm mứt dừa dẻo cũng tương tự như cách làm mứt dừa kể trên.
- Để làm mứt dừa có màu, bạn có thể thêm bột trà xanh hay nước cốt lá dứa (mứt dừa có màu xanh), lá cẩm (mứt dừa có màu tím), nước củ dền hoặc thanh long đỏ (mứt dừa có màu hồng), sôcôla (mứt dừa sô cô la), gấc (mứt dừa có màu đỏ)…
- Thay vì làm mứt dừa non thuần vị, bạn có thể làm mứt dừa non vị trà xanh, mứt dừa non vị cà phê, mứt dừa non vị ca cao… để món mứt thêm đa dạng (bằng cách cho thêm các nguyên liệu này vào công đoạn sên mứt).
2. Cách làm mứt dừa non (cách làm mứt dừa dẻo)
Mứt dừa non (mứt dừa dẻo) rất ngon, thơm, dẻo nên rất nhiều người thích. Cách làm mứt dừa non cũng tương tự như cách làm mứt dừa với sữa đặc, chỉ khác ở chỗ là nguyên liệu để làm mứt. Thay vì dùng dừa bánh tẻ, bạn dùng dừa non, khi sơ chế, thái hơi dày (cỡ bằng đầu to của đũa ăn cơm). Bạn có thể mua dừa non tại các tiệm chuyên bán nước dừa để tiết kiệm chi phí và đỡ bỏ phí phần nước dừa dư. Hãy chọn những trái dừa có phần cơm dày một chút, để mứt ngon hơn.
Nguyên liệu
- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500g
- Sữa Ông Thọ 1/2 lon hoặc sữa tươi 1 bịch 220ml
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Cà phê hòa tan: 1 gói.
Thực hiện
Sơ chế
- Hãy nhờ người bán chẻ dừa làm đôi. Bạn dùng muỗng mỏng nhẹ nhàng nạo lấy phần cùi. Dùng dao hai lưỡi bào sạch phần vỏ màu nâu. Sau khi dừa đã bào vỏ, rửa sạch, để ráo, thái thành miếng cỡ đầu to của cây đũa hoặc dùng khuôn có các hình thù đẹp mắt (hình ngôi nhà, ngôi sao, cây thông, hoa…) để tạo hình cho miếng dừa.
- Sau khi thái, bạn rửa dừa nhiều lần cho đến khi nước trong. Rải dừa ra khay, rổ lớn cho nhanh ráo nước.
Ướp dừa
- Cách làm mứt dừa non với sữa đặc là bạn pha sữa với khoảng 200ml nước nóng rồi đổ đường vào khuấy nhẹ tay cho đường tan hết, cho dừa vào ướp trong khoảng 30 phút. Cách làm mứt dừa non với sữa tươi là đổ sữa tươi và đường vào thố, đánh tan đường, trút dừa vào ướp khoảng 30 phút cho thấm.
- Để làm các mứt dừa non thuần vị, mứt dừa non vị trà xanh, mứt dừa non vị ca cao, bạn chia dừa đã ướp thành 3 phần đều nhau và tiến hành sên riêng từng phần.
Sên mứt
Mứt dừa non thuần vị
- Bạn nên sên mứt dừa thuần vị trước vì sau khi sên, bạn có thể tận dụng chảo để sên mứt dừa cà phê. Cách này giúp tiết kiệm tối đa lượng đường phải bỏ đi và không phải cọ rửa chảo. Đặt chảo dừa lên bếp, sên với lửa vừa. Khi nồi mứt sôi, nhớ canh chừng và đảo đều tay để không bị cháy.
- Khi quan sát thấy dung dịch đường sữa hơi sệt lại, bạn hạ nhỏ lửa và đảo nhẹ tay liên tục để mứt không bị cháy. Bạn tiếp tục đảo như vậy cho đến khi đường kết tinh màu trắng bám đều vào sợi dừa, đảo thấy nhẹ tay, mứt khô, tắt bếp, đổ mứt ra khay cho mau nguội.
- Lưu ý là mứt dừa non (mứt dừa dẻo) thường thái miếng hơi dày nên bạn phải sên cho đến khi mứt thật sự khô để tránh hiện tượng mứt bị chảy nước sau vài ngày.
Cách làm mứt dừa cà phê
Với món mứt dừa cà phê, bạn nên trộn gói cà phê hòa tan với phần dừa đã ướp để sau khi sên mứt được thấm, thơm. Khâu sên mứt cũng tương tự như mứt thuần vị.
Cách làm mứt dừa non vị trà xanh
Với món mứt dừa non vị trà xanh, sau khi ướp dừa với đường cho thấm, bạn tiến hành sên mứt như cách làm mứt dừa non ở trên. Sên đến khi đường hơi sệt, hạ lửa, cho bột trà xanh vào, đảo đều và nhẹ tay cho đến khi đường kết tinh, sợi dừa khô thì tắt bếp, đổ ra khay cho mau nguội.
3. Cách làm mứt dừa lá dứa thơm ngon đẹp mắt
Nguyên liệu
- Cùi dừa bánh tẻ hoặc dừa non: 1kg
- Đường cát trắng: 500 – 700g
- Lá dứa: 1 nắm to.
Thực hiện
Sơ chế
- Khâu sơ chế dừa trong cách làm mứt dừa lá dứa cũng tương tự như cách làm mứt dừa ở trên.
- Lá dứa: Nhặt bỏ lá sâu, già, cắt bỏ bớt phần gốc lá, rửa sạch dưới vòi nước chảy, ngâm với nước muối loãng khoảng 10 – 15 phút cho sạch. Vớt ra, vẩy ráo, cắt khúc ngắn khoảng 2 đốt ngón tay. Bạn bớt lại ít lá dứa đã cắt khúc để ướp với dừa cho thơm, phần còn lại cho vào cối sinh tố xay với 100ml nước, lọc bỏ bã.
Ướp dừa
Bạn ướp dừa cùng đường và 2/3 lượng nước lá dứa trong khoảng 2 giờ cho dừa thấm đường hoặc khi thấy đường tan hết, dừa trong, bạn bắt đầu sên. Trong khi ướp, bạn nên đảo vài lần để cọng dừa thấm màu đều hơn.
Sên mứt
- Bạn đổ dừa đã ướp vào chảo, đun lửa vừa cho đến khi nước trong chảo gần cạn thì cho phần nước lá dứa còn lại vào để sau khi sên xong món mứt dừa lá dứa lên màu đẹp hơn. Hạ lửa nhỏ, đảo đều tay đến khi đường kết tinh bám đều từng sợi mứt, mứt khô, tắt bếp.
- Lưu ý là khi bạn vừa sên xong, mứt lên màu chưa đẹp. Để nguội mứt dừa lá dứa sẽ lên màu xanh non đẹp mắt. Sau khi mứt nguội, bạn nên nhặt bỏ những phần lá dứa có trong mứt. Mứt dừa lá dứa có màu xanh lúa non đẹp mắt, vị thơm đặc trưng của lá dứa. Bảo quản mứt bằng hũ thủy tinh hoặc túi nilông và cất trong tủ lạnh để dùng dần.
Lợi ích sức khỏe của dừa
Dừa không chỉ là một nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời mà còn là nguồn cung cấp vitamin B6, sắt và khoáng chất như magiê, kẽm, đồng, mangan, selen và chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, nước dừa cung cấp một nguồn kali, một khoáng chất giúp cân bằng nồng độ natri trong cơ thể và điều hòa huyết áp.
Tuy dừa có nhiều lợi ích kể trên nhưng bạn không nên ăn mứt dừa nhiều vì dễ làm tăng đường huyết, tăng cân gây béo phì. Do đó, người bệnh đái tháo đường, thừa cân, béo phì, phụ nữ mang thai trong giai đoạn tăng cân nhanh nên tránh ăn mứt dừa.
Qua những cách làm mứt dừa ở trên, hy vọng bạn đã có mứt dừa nhiều vị hấp dẫn để đãi khách những ngày Tết.
Mời bạn xem thêm bài Cùng vào bếp học cách làm mứt cà rốt ngon đến bất ngờ.
Quan Lan/HELLO BACSI